1. Bước Ðầu


... Tôi bắt đầu đi vào âm nhạc vào năm 1942 với bài thơ CÔ HÁI MƠ của Nguyễn Bính do tôi phổ thành ca khúc. Cũng cần kể thêm một số bài thơ khác của Huy Cận, Xuân Diệu... mà tôi phổ nhạc dở dang và bài CON ÐƯỜNG VUI mà tôi cùng Lê Vy, một thanh niên rất giỏi nhạc ở Hưng Yên, soạn ra vào trước và sau đó...

Bài CÔ HÁI MƠ là một trong những bài ca cải cách sơ khởi của nền Tân Nhạc Việt Nam. Trong những năm 1943-45, tôi có may mắn là người ca sĩ đầu tiên đi khắp mọi nơi ở trong nước để biểu dương một loại nhạc mới mẻ và rất hấp dẫn so với những loại nhạc cổ đang đi vào quên lãng. CÔ HÁI MƠ được phổ biến trong dịp này...



CÔ HÁI MƠ

(theo thơ Nguyễn Bính)
Thơ thẩn đường chiều, một khách thơ
Say nhìn xa rặng núi xanh mờ
Khí trời trong sáng và êm ái
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ
.
Hỡi cô con gái hái mơ già!
Cô chửa về ư ? Ðường còn xa
Mà ánh chiều hôm dần sắp tắt
Hay cô ở lại về cùng ta.
Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách Ðộng Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương.
Cô hái mơ ơi !
Không trả lời tôi lấy một lời.
Cứ lặng mà đi, rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi.


Bài CÔ HÁI MƠ được tôi trình diễn trên sân khấu lưu động của gánh hát Ðức Huy-Charlot Miều cùng với những bài khác như BUỒN TÀN THU của Văn Cao, CON THUYỀN KHÔNG BẾN của Ðặng Thế Phong, BẢN ÐÀN XUÂN của Lê Thương... Tôi cũng là người đầu tiên hát nhạc cải cách trên Ðài RADIO INDOCHINE vào năm 1944. Những bài hát trên sân khấu và Ðài Phát Thanh lúc đó đều thuộc xu hướng nhạc tình, rất phù hợp với cảm quan của mọi người -- nhất là đám thanh niên -- đang muốn có sự đổi mới trong âm nhạc Việt Nam.

Chương trình của Ðài RADIO INDOCHINE trong một tuần lễ
Có 2 mục nhạc cải cách do Phạm Duy trình bày



Một bài báo của Thần Ðiện Tử (Nguyễn Văn Cổn) về tài tử Phạm Duy

Rồi vì nhu cầu của sân khấu, của chương trình radio, tôi cần phải có thêm những bài hát khác với những bài tình cảm ướt át đó, đồng thời cũng để hưởng ứng luôn một xu hướng mới của các nhạc sĩ trẻ thời bấy giờ, tôi khởi sự soạn nhạc hùng sau khi xu hướng nhạc tình đã được khai thác triệt để trên sân khấu lưu động và trên Ðài Phát Thanh kể trên.

Lúc đó lại là lúc có biến động lớn trên thế giới là cuộc Thế Chiến II. Chế độ thực dân tại Ðông Dương lung lay đến tận gốc khi người Pháp ở thuộc địa này bị Quân Ðội Nhật giải giới. Trong dân chúng đã có nhiều hi vọng giành lại được Ðộc Lập Tự Do. Và lũ nhạc sĩ trẻ chúng tôi, không ai bảo ai, đều soạn ra những bài ca ái quốc.

Khi cuộc Cách Mạng Mùa Thu 1945 nổ ra, nó đã được chúng tôi hỗ trợ một cách mạnh mẽ, bằng những bài ca xưng tụng lịch sử oai hùng của quê hương, tổ quốc, bằng những anh hùng ca và bằng những bài ca Cách Mạng...




Nhạc Hùng
Từ Tráng Sĩ Tới Chiến Sĩ


Tôi khởi sự loại nhạc hùng của tôi bằng những bài còn mang những hình ảnh cổ điển là tráng sĩ với gươm đao, cung kiếm... hay chinh phu, chinh phụ với chiến bào, chiến y... Bài hát đầu tiên được soạn ra với nhạc và lời của tôi, không còn phải vay mượn lời thơ của ai nữa, là bài GƯƠM TRÁNG SĨ. Bài này, khi in ra, có đề: tặng Hồ Hoàn Kiếm - Thăng Long Thành.



GƯƠM TRÁNG SĨ

(Hà Nội -1944)
Ta là gươm tráng sĩ thời xưa
Bên mình chàng hiên ngang một thuở.
Xưa nhớ tới người trai chí lớn
Xếp bút nghiên từ chốn thư phòng
Bàn tay xinh ai nhuốm máu hồng
Và nhuốm mầu non sông.
Gươm tung lên như gió như mưa
Như muôn nghìn đấng linh hồn xưa
Như bao năm lòng dân đợi chờ
Chuyển sức chàng trai tráng gươm đưa
Ôi nhớ tới hồi thanh kiếm múa
Sức oai linh trừ hết quân thù
Ðầu rơi trong muôn tiếng réo hò
Ghi dấu cùng ngàn thu.
Ðến nay gươm thần chưa hết bén
Ta mong chờ ai người nâng kiếm lên ?


Sau hình ảnh tráng sĩ, tới hình ảnh chinh phu, chinh phụ... Dù rằng lúc đó tôi đi theo Cách Mạng và thực tế đi vào Kháng Chiến khi Quân Ðội Pháp trở lại chiếm Saigon vào cuối năm 45, nhưng trong sáng tác, tôi vẫn chưa ra khỏi khung cảnh của truyện anh hùng cổ xưa, chẳng khác chi Văn Cao trong thời gian đó cũng nói tới sự lạnh lùng vung gươm ra sa trường để lấy da ngựa bọc thây như trong bài CHIẾN SĨ VIỆT NAM. Tôi viết bài CHINH PHỤ CA trong khi đang tham gia cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.



CHINH PHỤ CA

(Bà Rịa 1945)
Từ chàng ra đi, lưng khoác chiến y
Và hồn nương bóng quốc kỳ
Nàng ngừng con thoi, có khi nhớ chàng
Có muốn gì đâu, lệ thấm tơ vàng.
Chàng ngồi trên yên, mơ bóng dáng em
Mịt mù sau đám khói tên
Bâng khuâng mắt nhìn tay kiếm
Không sao dấu đôi lệ hiền.

Từ hồi Thu đi, Ðông tới, Xuân về
Lạnh lùng cơn gió đêm hè
Từng hồi canh tan thấy trăng xế tàn.
Thao thức phòng loan, một tiếng tơ đàn.
Nhạc ngoài biên cương nghe vắng khúc hoan.
Bập bùng ba tiếng trống đêm
Không ngưng tiếng rừng xao xuyến
Vang trong tiếng ve kêu rền rền.

Ngày nào bao xa em thấy bay về
Một đàn chim én không nhà.
Về làn du phong với mây ráng hồng
Có tiếng diều trong đậu trước khuê phòng.
Rồi nhìn qua song em thấy trước sông
Ngựa hồng âu yếm bước sang
Trên lưng có chàng trai tráng
Mang theo biết bao nhiêu ngày vàng.


Trong thời Kháng Chiến Nam Bộ (1945-46) tôi còn soạn thêm bốn bản nhạc hùng nữa. Bài thứ nhất là bài XUẤT QUÂN soạn trên đường Nam Tiến và hoàn tất tại chiến khu Mây Tào, vẫn còn mang những hình ảnh cổ điển như trong mấy bài trước đây.

XUẤT QUÂN

(Chiến khu Mây Tào -1945)
Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành.
Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành.
Ði là đi chiến đấu
Ði là đi chiến thắng
Ði là mang mối thù thiên thu.
Ði là đi chiến đấu
Ði là đi chiến thắng
Bước lên đây người Việt Nam. (HẾT ở đây)
Kèn vang theo tiếng chân đang rồn rập xa xa
Tiếng gào thiết tha.
Ngàn lời chính khí đưa
Ầm ầm tiếng thét hoà
Rầm rầm tiếng súng sa trường xa.
Hồn say khi máu xương rơi tràn đầy, ngập biên khu
Oán thù khắp nơi.
Từng bụi lốc cuốn rơi
Từng giọt máu sáng ngời
Một đường kiếm thép oai hùng đưa.
(trở lại từ đầu, để HẾT)


Bài thứ hai là bài THU CHIẾN TRƯỜNG, tuy nó vẫn còn có vẻ cổ điển với những câu gọi hề Thu ơi hề Thu ơi nhưng nó hiếu hoà hơn bài XUẤT QUÂN. Tôi đưa ra hình ảnh buổi chiều biên khu, có người chiến sĩ ngồi vỗ súng ca cho một mùa Thu muôn năm hoà bình. Ðầu mùa chinh chiến mà xưng tụng hoà bình! Tinh thần nhân bản này sẽ theo đuổi tôi suốt đời. (Chú ý: bài này dùng nhiều chữ vần " u " để hát ra hơi thở mùa Thu)



THU CHIẾN TRƯỜNG

(Huế, 1946 sau khi từ chiến khu trở ra Bắc)
Chiều biên khu, vào mùa sang Thu
Không còn nghe tiếng oán thù (u ú)
Rừng vi vu là lời thiên thu
Ru người chốn phiêu du.
Ai chinh phu nghe mùa Thu tới
Âm vang trong trời, hồn quê đến với muôn đời.
Hề Thu ơi ới ! Hề Thu ơi ới !
Nghe gió thu tơi bời trong góc trời chiến tranh
Nghe lá thu thương tình bao kiếp người mong manh.
Hề Thu ơi ới ! Hề Thu ơi ới !
Hương thắm xưa đã về với những người chiến chinh
Bao khúc ca thanh bình vang tới ngàn dâu xanh.
Thu đã về với ta
Nhớ tiếc không oán thù (u ù)
Ta nghe chăng một mùa
Thu bao la, vang tiếng bom cuối cùng
Còn đây mùa gươm súng
Khi lá hoa bừng sống với non sông
Nhớ tiếc không nát lòng (ư ừ)
Ta nghe chăng một mùa
Thu muôn năm hoà bình
Hề Thu ơi ới ! Hề Thu ơi ới !
Thu ơi Thu ! Ta vỗ súng ca,
Ca cho đời, cho Thu với ta.
Nơi biên khu, mong nhớ khúc ca
Câu Thái Hoà cho muôn chúng ta.




CHIẾN SĨ VÔ DANH

(Huế-1946)
Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng
Núi cây rừng
Lắng tiếng nghe hình dáng
Của người anh hùng
Lạnh lùng theo trống rồn
Trên khu đồi nương
Im trong chiều buông.
Ra biên khu trong một chiều sương âm u
Âm thầm chen khói mù
Bao oan khiên đang về đây hú với gió
Là hồn người Nam nhớ thù.
Khi ra đi đã quyết chí nuôi căm hờn
Muôn lời thiêng còn vang
Hồn quật cường còn mang đến phút chiến thắng
Sầu hận đời lấp tan.
Gươm anh linh đã bao lần vấy máu
Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình.
Rừng trầm phai sắc
Thấp thoáng tàn canh
Hỡi người chiến sĩ vô danh...


Bài thứ tư, bài NỢ XƯƠNG MÁU thì hoàn toàn siêu thực, với hình ảnh xác không đầu, đi lang thang trên chiến trường, cất tiếng cười vang rú... Tôi viết bài này trước khi từ chiến khu miền Nam trở ra Bắc, và hát nó tại Quán NGHỆ SĨ ở Huế cùng với Bùi Công Kỳ.




NỢ XƯƠNG MÁU


(Huế-1946)
Giờ đây xương máu đã phơi đầy đồng
Giờ đây máu hồng đã nhuốm non sông.
Ai nghe không sa trường lên tiếng hú
Tiếng lầm than, những tiếng người đời quên
Ði lang thang, tiếng cười vang rú
Xác không đầu nào kia
Cười lên tiếng máu xé tan canh trường:
Nợ nần máu xương, ai đã trả xong?
Lá rụng tơi bời
Ðoàn quân tiến về trời
Từng thanh kiếm đứt ngang
Từng lớp áo rách mướp
Từng cánh tay rụng rời
Qua làn mây trắng
Ðoàn quân tiến qua làng
Ầm rung tiếng sa trường
Như nhắn nhủ người trai mài kiếm dưới trăng.
Ai nghe không tiếng cười vang the thé
Tiếng người la, những tiếng rồn rập ca
Ai lang thang, tiếng cười lên chới với
Xác không đầu mà vui.
Người đi chiến đấu, xác rơi ngoài đồng.
Nợ nần máu xương, ai nấy trả xong !





Nhạc Tình
Ðầu Mùa Kháng Chiến


Trong những năm đi theo thời cuộc để soạn nhạc hùng, tôi cũng không quên soạn nhạc tình. Năm 1942, với bài CÔ HÁI MƠ, đó là một bản ''tình ca ấp úng'', soạn cho một người tình tưởng tượng và không được trả lời. Bài CÂY ÐÀN BỎ QUÊN, soạn trên bãi biển Phan Rang lúc tôi đi theo cuộc Kháng Chiến Nam Bộ, cũng vẫn là thứ tình ca ấp úng, nói lên tâm sự của một chàng nhạc sĩ trẻ, không dám hỏi thẳng người đẹp mà chỉ dám tự hỏi mình, rằng: Người đẹp -- hay người đời -- yêu mình hay chỉ yêu cây đàn mà thôi?

CÂY ÐÀN BỎ QUÊN

(Bờ biển Phan Rang - Kháng Chiến Nam Bộ 1945)
Hôm xưa tôi đến nhà em
Ra về mới nhớ rằng quên cây đàn
Tình tang tính tính tình tang.
Ðêm khuya thao thức mơ màng
Chờ mai tìm đến cô nàng ngây thơ
Tình tang tính tính tình tang.
Hôm sau tôi đến nhà em
Cây đàn nằm đó nhưng em đâu rồi ?
Tình tang tính tính tình tang.
Bông hoa trên phím tươi cười
Người tiên tặng đoá hoa đời xinh xinh
Tình tang tính tính tình tang.
Tôi nâng niu cây đàn, tình tang
Ðem về say đắm, tôi nâng niu hoa tàn
Tình tang tính tính tình tang.
Khi bông hoa úa vàng, tình tang
Lòng tôi vấn vương, nhớ người hay nhớ hương ?
Tình tang tính tính tình tang.
Ðàn ôi ! Thôi cứ lên tiếng than
Hay cứ reo nỗi hoan
Trên đường lên viễn phương
Tang tình tang tính tang.
Người ôi ! Tôi thường hay muốn biết
Với tình hoa thắm thiết
Yêu tôi hay yêu đàn ?
Yêu tôi hay yêu đàn ?
Tình tang tính tính tình tang.


Bài KHỐI TÌNH TRƯƠNG CHI tôi soạn ngay sau đó là cũng chỉ là một bản tình ca ấp úng, câm lặng mà thôi. Nó ra đời cùng lúc với bài TRƯƠNG CHI của Văn Cao. Văn Cao thì nói lên tâm sự của anh Trương Chi. Tôi thì làm công việc kể lại một truyện tình trong đó, hai người tình không nói với nhau một điều gì cả.

KHỐI TÌNH TRƯƠNG CHI


(Huế - 1945)
Ðêm năm xưa khi cung đàn lên tơ
Hoa lá quên giờ tàn
Mây trắng bay tìm đàn
Hồn người thổn thức trong phòng loan
Ðêm năm xưa nghe cung đàn gây mơ
Âu yếm nâng tà quạt
Hôn gió đưa về thuyền
Tưởng người trên sóng ru thần tiên.
Êm êm êm dần lan
Cung Nam Thương mờ vang.
Em yêu ai bờ sông nhớ thương ai trong đàn
Xa xa xa rồi tan
Cung Nam Ai thở than.
Ai thương em lầu buồn mỗi lúc khuya tàn cung
Dứt khúc đàn, lòng em thấy đê mê.
Ôi tiếng đàn, lời không mong ước thề
Ðã thấy tàn đời, không thấy xuân về
Khi tiếng ai hò khoan.
Tương tư một khối u sầu
Ðợi chờ trăng lên để tan hết thương đau
Mi em nước mắt hoen mầu
Tóc chẩy ngàn hàng môi thắm còn đâu.
Ðêm năm xưa tương tư người hò khoan
Ôm ấp bao mộng vàng
Cho tới khi gặp chàng
Thì đành tan vỡ câu chờ mong.
Ðêm năm xưa trên con thuyền lẻ loi
Khi chót yêu người rồi
Xa cách nhau vì đời
Tủi hờn duyên kiếp bao giờ nguôi.

Ðêm năm xưa ôm mối tình dở dang
Chôn đáy sông hồn cầm
Ai chết đêm nguyệt rầm
Nợ tình còn đó chưa trả xong.
Ðêm năm xưa chưa nguôi lòng yêu ai
Duyên kiếp trong cuộc đời
Ðem xuống nơi tuyền đài
Ðể thành ngọc đá mong chờ ai.
Êm êm êm dần trôi
Bao năm qua dần phai
Ai xui nên ngọc kia vấn vương nơi lâu đài
Tay dâng lên một khay
Tim anh Trương Chi là đây
Trong đêm khuya tiệc trà vui bóng gia đình ai.
Rót nước vào, chợt thấy bóng ngư lang
Quanh chén trà, thuyền trôi theo tiếng đàn
Có tiếng người vọng câu hát u buồn
Ai oán câu hò khoan.
Nâng niu một chén âm hồn
Mộng tình trăm năm nằm trong đáy ly gương.
Khi xưa duyên chót phũ phàng
Thiếp trả nợ chàng, nước mắt này dâng
Ðêm năm xưa yêu dấu người xa xăm
Nâng chén trong lầu buồn
Thương nhớ nơi ngàn trùng
Lệ sầu tuôn xuống câu hò khoan.
Ôi duyên xưa ai đã trả cho ai
Cho chén tan thành lời
Ðể thành bài hát ru lòng tôi.


Qua năm 1946, tôi cộng tác với một trong hai phòng trà đầu tiên ở Hà Nội là Quán THIÊN THAI ở phố Hàng Gai, nơi đó tôi ''lăng xê'' một giọng hát mới mẻ tôi đặt tên là Thương Huyền (vì tên thật là Thường). Là người đầu tiên hát Tân Nhạc một cách xuất sắc, Thương Huyền sẽ được chính quyền ban cho cái tên ca sĩ dân tộc.



Lúc này tôi sống gần gũi với Văn Cao của thời kỳ SUỐI MƠ, BẾN XUÂN, CHIẾN SĨ HẢI QUÂN... Tôi cũng sống chung với một vũ nữ của HANOI BAR tên là Ðịnh để soạn bản nhạc khiêu vũ nhan đề TÌNH KỸ NỮ. Ðáng lẽ ra, phải gọi bài này là TÌNH KỊ NỮ thì mới đúng với nghề ''cavalière'' tức là nghề ''taxi girl'' của nàng.

TÌNH KỸ NỮ

(Hà Nội - 1946)
Ðêm nay đôi người khách giang hồ
Gặp nhau tình trăng nước
Sánh vai nhịp bước mơ hồ
Kề vai ước xây nhà bên suối
Kề môi ước gây vài đường tơ.
Ðêm nay hương tình bốc mơ màng
Huyền âm buồn lai láng
Thướt tha hình dáng yêu kiều
Bền không hỡi duyên tình kỹ nữ ?
Dài không hỡi cung đàn thờ ơ ?

Ta ôm người đẹp mong manh
Bên nhau mà hồn xa vắng
Ta nâng niu làn dư âm
Của khách năm xưa yêu nàng.
Ðêm nay khi tàn giấc mơ vàng
Ngồi đây sầu ngơ ngác
Ngắm bao tình khách giang hồ
Lòng ta nhớ duyên tình kỹ nữ
Lòng ta nhớ cung đàn mùa xưa.





Một Bài Ca Xã Hội

Ðây là lúc Văn Cao và tôi hay la cà tại các nơi ăn chơi. Sống như loài vạc trong đêm, tôi soạn ra một bài tân nhạc đầu tiên mang tính chất xã hội.

TIẾNG BƯỚC TRÊN ÐƯỜNG KHUYA

(Hà Nội - 1946)
Tiếng chân ngân dài từ từ đi ngoài đêm thâu
Tiếng chân dưới lầu, ôi tàn mộng Bích Câu
Ôi tiếng chân ai mang dài năm tháng
Ôi tiếng chân ai đã tàn tuổi thơ
Có phải đó là bước chân miệt mài của người ăn chơi
Vừa lăn ra khỏi chốn yên hoa
Mang mùi hương úa
Hay đó là người nào đi, khóc cuộc từ ly
Ðêm tối chân tần ngần
Thương bóng ai tàn Xuân
Nhưng tiếng chân sao vẫn còn rên xiết
Nhưng tiếng chân sao vẫn còn tha thiết
Vẫn còn kể lể
Vẫn còn đê mê
Vẫn còn ê chề..
Ôi bước chân nào rầu rầu
Chen tiếng mưa Ngâu
Ôi bước chân sầu
Vọng lời ai oán dân nghèo
Ôi tiếng cơ cầu
Lên với trời cao
Ôi tiếng kêu gào không mầu.
Có phải đó là bước chân ngậm ngùi của người lầm than
Âm thầm trong đêm vang lời ưu phiền
. . . . . . . .
Tiếng chân cứ dần từ từ đi vào đêm mưa.
Tiếng chân thẫn thờ đi vào hồn tôi...